Vệ sinh tủ bia cơ bản - Ngoài khoang tủ, bạn nhất định không được bỏ qua 3 vị trí này
Tương tự như với các loại thực phẩm thông thường, việc bảo quản bia luôn phải đảm bảo những tiêu chí nhất định về an toàn vệ sinh. Để bia không bị nhiễm mùi lạ hay chua hỏng, chủ kinh doanh cần đảm bảo rằng toàn bộ không gian ủ lạnh cũng như hệ thống chiết rót phải được làm sạch định kỳ, theo đúng phương pháp. Vậy cụ thể, chúng ta phải vệ sinh những vị trí nào ở tủ bia? Đừng quá băn khoăn bởi bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn câu trả lời.
Khoang tủ
Đây có lẽ là vị trí dễ đoán nhất bởi những dấu hiệu cực kỳ rõ ràng. Trong suốt quá trình sử dụng, nhân viên điểm bán sẽ thường xuyên tiếp xúc với khoang tủ, nhất là khi ra vào bom bia. Do đó, nếu có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh tại khu vực này, chắc chắn người vận hành sẽ nhanh chóng phát hiện.
Cụ thể, với tủ bia chạy chế độ nước, tình trạng kém vệ sinh luôn biểu hiện qua độ trong của nước. Chủ kinh doanh cần tiến hành xả đáy và thay nước mới ngay khi thấy nước trong tủ ngả đục, xuất hiện các dị vật như lá cây, thực phẩm rơi rớt, … Tốt nhất, không nên chờ tới khi khoang tủ bốc mùi lạ mới xử lý vấn đề, bởi bom bia đã mở niêm phong thường rất dễ lây mùi từ không gian ủ lạnh.
Lớp đá trên thành tủ cũng là một trong những đối tượng cần phải loại bỏ
Ngoài tình trạng mất vệ sinh do yếu tố bên ngoài, khoang tủ bia còn phải được “làm sạch” trong trường hợp lớp đá bám quá dày. Về cơ bản, ở giai đoạn mới vận hành, những mảng đá mỏng “mọc” từ thành tủ sẽ đóng vai trò “mồi lạnh”, giúp nhiệt độ giảm nhanh. Tuy nhiên, khi độ dày vượt quá 4cm, đá có thể gây ra những vấn đề sau:
- Đá bám vào bom bia, gây vỡ men, tách nước.
- “Bức tường đá” sẽ ngăn cản quá trình trao đổi nhiệt tại thành tủ, làm giảm sút hiệu suất lạnh, khiến máy nén phải chạy không ngừng nghỉ, gây hao phí điện.
Để khắc phục, chủ kinh doanh cần thực hiện xả đá khoang tủ định kỳ theo 3 bước:
- Tắt nguồn điện, chuyển hết bom bia ra ngoài
- Mở rộng cánh tủ để đá tan.
- Mở van thoát nước và sử dụng khăn khô thấm nước đọng.
Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng các vật kim loại sắc nhọn để cạy đá bám trên thành tủ, tránh làm hư hại dàn lạnh quấn quanh thân tủ.
Dàn nóng
Giống như mọi thiết bị làm lạnh khác, cơ chế hoạt động của tủ bia là dàn nóng tỏa nhiệt, dàn lạnh bay hơi. Hai quá trình này có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại. Một đầu kém hiệu quả sẽ khiến đầu còn lại giảm sút.
Dàn nóng bám bụi sẽ khiến tủ vận hành kém hiệu quả
Từ nguyên lý nhìn vào thực tiễn, sau một thời gian vận hành, dàn nóng bị bám dính bụi bẩn, có thể làm tủ bia xuất hiện tình trạng kém lạnh. Chủ kinh doanh cần nhanh chóng thực hiện vệ sinh bộ phận này để cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị. Từ góc độ nhà sản xuất, Đức Minh luôn khuyến cáo người sử dụng làm sạch dàn nóng tối thiểu 3 tháng/ lần bằng các dụng cụ như: cọ sơn, máy thổi bụi.
Lưu ý:
- Sau khi ngắt điện, chờ khoảng 30 phút để dàn nóng hạ nhiệt.
- Thao tác nhẹ nhàng, tránh làm cong vênh lá nhôm.
Dây bia
Tủ chiết rót khép kín, vậy tại sao lại cần phải vệ sinh dây bia? Đây có lẽ là suy nghĩ của không ít chủ kinh doanh khi gặp phải các vấn đề về chất lượng bia. Bia đủ lạnh, không để ngoài môi trường quá lâu nhưng lại có mùi vị kỳ lạ. Vậy đâu là nguyên nhân?
Chủ kinh doanh cần biết: bia tươi dù chưa thanh trùng hay đã thanh trùng nhanh đều chứa một lượng vi sinh nhất định. Chúng có thể bị ức chế bởi nhiệt lạnh nhưng không đồng nghĩa chúng đã bất hoạt.
Vì thế, ngay cả khi được ủ lạnh liên tục trong dải nhiệt độ an toàn, bia vẫn phải đối mặt với nguy cơ đến từ sự sinh sôi, phát triển của vi sinh vật. Một trong những vị trí trọng yếu nhất chính là dây bia.
Chủ kinh doanh nên vệ sinh dây bia bằng dung dịch chuyên dụng
Người dùng nên thực hiện vệ sinh dây bia bằng dung dịch chuyên dụng tối thiểu 1 lần/tháng theo các bước sau:
- Kết nối phập với bom chứa dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Mở vòi để dung dịch vệ sinh chạy qua dây bia. Ở đầu vòi rót, nên đặt sẵn vật chứa như ca, cốc hoặc chậu nhỏ...
- Tiếp tục rót tới khi dung dịch vệ sinh ở đầu ra không còn cặn bẩn. Thay bom chứa dung dịch vệ sinh bằng nguồn cấp nước sạch. Mở vòi rót để tráng sạch dây bia.
Các linh phụ kiện khác trong hệ thống chiết rót
Tương tự dây dẫn, các linh phụ kiện khác trong hệ thống chiết rót như phập, vòi đều tiếp xúc trực tiếp với bia. Do đó, ngoài chất liệu tiêu chuẩn, chủ kinh doanh cần chú ý lựa chọn loại phập, vòi cho phép tháo lắp và bóc tách chi tiết một cách dễ dàng. Đây là tiêu chí cơ bản để đảm bảo rằng, bạn có thể vệ sinh chúng kỹ càng trong quá trình sử dụng, hạn chế tối đa tình trạng tích tụ cặn bia.
Trên đây là những lưu ý quan trọng nhất về việc vệ sinh tủ bia. Đức Minh rất hy vọng bài viết đã mang tới cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc các chủ kinh doanh vận hành tủ hiệu quả!