4 yếu tố làm giảm chất lượng bia, nguyên nhân thứ 2 sẽ khiến bạn không ngờ đến

Bia nhiều bọt, bia bị chua hỏng nhanh, vị bia cồn, khó uống, ... Cứ 100 người bán bia thì có lẽ có tới 99 người từng đau đầu vì những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, các chủ kinh doanh không nên vì thế mà hoang mang, lo lắng. Chỉ cần nhận diện rõ ràng “danh tính” 4 “thủ phạm” sau đây, bạn sẽ dễ dàng tìm ra phương hướng xử lý hiệu quả cho điểm bán của mình.

Nhiệt độ

Ảnh hưởng của nhiệt độ tới chất lượng bia được thể hiện qua 2 khía cạnh:

- Ức chế hoặc kích thích sự phát triển của vi sinh vật.

- Đảm bảo hoặc làm thất thoát lượng CO2 ngậm trong bia. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên hương vị bia.

Dải nhiệt độ lý tưởng để bia giữ chất lượng tốt nhất là từ 2 - 4°C

Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, dải nhiệt độ lý tưởng để bảo quản - chiết rót bia sẽ là 2 - 4°C. Ở mức nhiệt nằm ngoài giới hạn trên, chất lượng bia sẽ bị giảm sút theo những chiều hướng sau:

  • Nhiệt độ >5°C: CO2 giải phóng, bia nhiều bọt, khó rót.
  • Nhiệt độ >10°C: bia có nguy cơ chua hỏng cao do vi sinh vật sinh sôi, hoạt động mạnh.
  • Nhiệt độ <0°C: bia đóng đá, vỡ men, tách nước.

Tại Đức Minh, tất cả sản phẩm tủ bia hiện nay đều được thiết kế với dải nhiệt độ từ -1 đến 2°C. Trải qua thử nghiệm thực tế, chất lượng bảo quản - chiết rót của tủ luôn nhận được đánh giá tích cực từ các đối tác lớn, bao gồm nhà máy bia, nhà phân phối, ...

CO2

Là chất dẫn hương, dẫn vị, dẫn cồn, làm nên vị bia tuyệt hảo, nhưng đôi khi, chính CO2 lại là "kẻ phá ngang" khó ngờ tới. Cụ thể là trường hợp chủ kinh doanh sử dụng CO2 để chiết rót. Ở nhiệt độ thấp (0 - 3°C), CO2 được đẩy vào bom bia với áp suất từ 1.5 - 2.5Pa sẽ thẩm thấu mạnh vào bia. Người trong nghề thường gọi hiện tượng này là "ngậm C".

Bia “ngậm” quá nhiều C sẽ có vị nồng, sốc, khó uống

Bia thẩm thấu CO2 vừa phải sẽ có hương vị hấp dẫn và tỷ lệ bọt hoàn hảo. Nhưng với bom bia bán chậm, câu chuyện "ngậm C" thường dẫn đến 1 cái kết khác. Bia không chỉ nhiều bọt, khó rót, mà vị bia sẽ trở nên nồng, sốc, khiến người uống cảm thấy đau đầu..

Oxy hóa

Không gây ngỡ ngàng như CO2, "thủ phạm" gây hỏng bia thứ 3 được xem là “gương mặt thân quen” với hầu hết chủ kinh doanh. Cơ chế “quấy phá” của “đối tượng” này cũng hết sức đơn giản. Khi bia tiếp xúc với không khí trong thời gian dài, phản ứng oxy hóa sẽ xảy ra, tạo điều kiện lý tưởng để vi sinh vật sinh sôi, phát triển. Đó là nguyên nhân phổ biến khiến bia bị chua hỏng.

Bia bị oxy hóa là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chua hỏng

Tất nhiên, với bom bia niêm phong từ nhà máy, hiện tượng oxy hóa gần như không có khả năng phát sinh. Vậy trên thực tế, oxy xâm nhập vào bom và phản ứng với men bằng con đường nào?

Có 2 nguyên nhân bạn cần lưu ý :

- Thứ nhất, cổ bom bị hở do lỗi thao tác.

- Thứ hai, chủ kinh doanh sử dụng bơm khí trong chiết rót nhưng tốc độ bán quá chậm. Bom bia thường sẽ chua hỏng sau khoảng 2 ngày. 

Nhiễm khuẩn

Bia có nhiều đặc tính phức tạp nhưng về bản chất vẫn là một loại thực phẩm. Do đó, trong quá trình bảo quản - chiết rót, muốn bia ngon miệng, trước hết, chủ kinh doanh phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.

Trên thực tế, bia có thể bị nhiễm khuẩn bởi những nguyên nhân phổ biến sau:

  • Để chung các loại thực phẩm khác trong tủ bia.
  • Không thay nước định kỳ khi sử dụng tủ chế độ nước.
  • Không vệ sinh thiết bị chiết rót thường xuyên: vòi, phập, dây dẫn bia, ...

Bia có thể nhiễm khuẩn do vấn đề vệ sinh thiết bị và điểm bán

Để hạn chế nguy cơ bia mất vị, có mùi lạ hay thậm chí chua hỏng, chủ kinh doanh nên chú ý:

  • Đặt tủ bia ở vị trí thông thoáng, sạch sẽ.
  • Hạn chế để chung thực phẩm khác cùng bia, đặc biệt là đồ tươi sống. Trong trường hợp bất đắc dĩ, nên bao gói thực phẩm cẩn thận trước khi cho vào tủ.
  • Cần vệ sinh định kỳ tủ bảo quản và phụ kiện chiết rót đúng cách.

“Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhận diện và nắm bắt cơ chế sẽ là bước đầu giúp chủ kinh doanh đối phó hiệu quả với các "thủ phạm" gây hỏng bia, từ đó, hạn chế tối đa các tổn phí không đáng có. Hy vọng bài viết đã mang tới cho bạn những thông tin hữu ích!

Call Now Button