Kinh doanh bia mùa COVID: Thách thức và cơ hội

2020 - 2021 có lẽ là giai đoạn đặc biệt nhất với ngành bia trong suốt nhiều thập kỷ qua, bởi hàng loạt thách thức chưa từng có do dịch bệnh và biến động chính sách. Tuy nhiên, đằng sau khó khăn, vẫn đâu đó thấp thoáng những “cửa sáng” cho người làm kinh doanh.

Thách thức nối liền thách thức

Chỉ trong hơn 1 năm ngắn ngủi, ngành bia đã phải liên tiếp đón nhận 3 thử thách lớn, gây ảnh hưởng nặng nề trên mọi phương diện, từ quảng bá tới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Dịch bệnh COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc đóng cửa hàng loạt cơ sở kinh doanh F&B trên toàn quốc đã khiến việc tiêu thụ bia chững nhịp. Năm 2021, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 8,5% và 59,2% so với năm trước. Nếu thực hiện đúng như kế hoạch, đây sẽ là mức lãi thấp nhất của “ông lớn” này suốt nhiều năm qua.

Dịch bệnh khiến các đơn vị kinh doanh bia điêu đứng

Trong khi đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại thể hiện sự lạc quan với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 20% và 7% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, mức độ khả thi của kế hoạch cũng không thực sự cao khi COVID-19 đã tái bùng phát ngay vào giai đoạn quan trọng nhất của ngành bia.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Từ ngày 01/01/2020, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng nếu bị phát hiện nồng độ cồn vượt mức cho phép trong máu hoặc hơi thở. 

Quy định trên đã kéo tụt giá cổ phiếu toàn ngành xuống 13% ngay từ khi chỉ là bản dự thảo. Đặt lên cán cân đối sánh với dịch COVID-19, rõ ràng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng tạo ra những đòn giáng không kém phần nặng nề vào ngành bia. Một bên là thiệt hại nghiêm trọng nhưng chỉ mang tính thời điểm, một bên là khả năng sát thương âm ỉ, dài hạn.

Luật quảng cáo

Quảng cáo bia rượu chịu sự quản lý chặt chẽ về nội dung và đối tượng tiếp cận

Sau Nghị định 100, ngành bia tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 quy định về quảng cáo rượu bia:

  • Hạn chế sử dụng hình ảnh uống bia rượu trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình
  • Ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập thông tin và mua rượu bia.
  • Quảng cáo bia và rượu có nồng độ cồn dưới 15% phải gắn kèm cảnh báo tác hại.

Nắm bắt cơ hội vượt qua thử thách

Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có những cánh cửa khác mở ra. Để vượt qua khó khăn, người kinh doanh bia hoàn toàn có thể trông chờ vào những cơ hội sau đây.

Nhu cầu tiêu thụ lớn, thu nhập tăng nhanh 

Việt Nam là một trong những quốc gia có sức tiêu thụ bia hàng đầu khu vực. Giai đoạn 2014 - 2020, lượng bia tiêu thụ tại nước ta mỗi năm tăng khoảng 6,6%, trong khi mức tăng toàn cầu chỉ là 0,2%.

Thu nhập của người Việt tăng nhanh trong những năm gần đây

Song song với đó, Việt Nam còn sở hữu tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu vô cùng ấn tượng. Giai đoạn 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người của nước ta tăng gần 145%. Đầu năm 2020, theo dự đoán của Nielsen và VBA, Việt Nam sẽ có xấp xỉ 33 triệu người tiêu dùng độ tuổi dưới 30 thuộc tầng lớp trung lưu. Nhóm đối tượng này có thể phát sinh khoản chi tiêu tổng cộng lên đến 173 tỷ USD.

Thu nhập tăng, nhu cầu lớn và sức mua mạnh. Những con số thống kê thực tế kể trên chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào tiềm năng của thị trường nội địa.

Cửa sáng mang tên “bia không cồn”

Trước áp lực từ biến động chính sách, “bia không cồn” rõ ràng là một nước đi khôn ngoan của các nhà sản xuất. Tại Việt Nam, số lượng thương hiệu tham gia phân khúc này vẫn khá ít ỏi, chủ yếu là những đơn vị nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội cạnh tranh thị phần còn rất cao. Nếu nắm bắt tốt cơ hội với một chiến lược đúng đắn, các doanh nghiệp sản xuất bia hoàn toàn có khả năng bứt phá.

Xu hướng “đi về địa phương”

Dịch bệnh và Nghị định 100 đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong thói quen của người tiêu dùng. Thay vì tập trung ở các điểm bán lớn tại khu vực trung tâm như trước đây, thực khách bắt đầu có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng quán nhỏ lẻ, gần nơi sinh sống để thưởng thức bia. Thực tế này sẽ mở ra cánh cửa vàng cho những chủ kinh doanh sở hữu vốn đầu tư hạn chế, cũng như các doanh nghiệp bia đang có ý định tham gia vào phân khúc bình dân.

Mô hình kinh doanh online và bán mang về (take-away)

Đặt hàng online và take-away không phải là những mô hình xa lạ tại thị trường F&B Việt Nam. Tuy nhiên, nó mới chỉ phổ biến trong lĩnh vực đồ ăn và các sản phẩm đồ uống không cồn (trà, cà phê, ...). Đó là thực tế trước khi COVID-19 bùng phát.

Mô hình kinh doanh bia tươi “bán mang về” sẽ dần trở nên phổ biến

Trong điều kiện dịch bệnh không cho phép tập trung đông người như hiện nay, việc mua bia để thưởng thức tại nhà sẽ là phương án đáng cân nhắc dành cho người tiêu dùng. Theo đó, bán mang về và đặt hàng online có thể trở thành xu hướng kinh doanh bia tươi tiềm năng với các mô hình như quán tạp hóa, siêu thị mini, …

Nếu nói về khó khăn, 2020 - 2021 chắc chắn sẽ là dấu mốc khó quên với ngành bia Việt Nam và cả thế giới. Thế nhưng, khi nhìn từ khía cạnh tích cực, những thách thức này cũng mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho giới kinh doanh. Vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp, cá nhân có chấp nhận đối mặt thử thách để tạo ra sự bứt phá hay không.

Là đơn vị sản xuất tủ bảo quản - chiết rót bia với hơn 10 năm kinh nghiệm thị trường, Đức Minh luôn sẵn sàng đồng hành cùng các đối tác khách hàng vượt qua khó khăn mùa dịch. Chúng tôi cam kết sẽ mang đến cho bạn những sản phẩm chất lượng, tối ưu công năng, vận hành bền bỉ.